Loãng xương là gì
Loãng xương là tình trạng giảm mật độ xương, sức khỏe xương suy yếu dẫn đến xương trở nên giòn và dễ gãy. Nguyên nhân là do sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương đến từ vấn đề tuổi tác, nội tiết và chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học. Bệnh loãng xương thường diễn biến chậm và không có triệu chứng nào rõ ràng. Khi có các biến chứng về xương khớp hoặc khi cảm thấy đau thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang bị loãng xương:
-
Đau cảm giác, thường thường là đau lưng và các khớp
-
Mất dần chiều cao
-
Còng lưng, gù lưng
9 Thói quen đơn giản tại nhà dưới đây giúp bạn phòng ngừa loãng xương:
1. Điều chỉnh cân nặng phù hợp
Nhẹ cân hay suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ loãng xương. Béo phì cũng là một trong những yếu tố góp phần gây nên tình trạng loãng xương. Khi trọng lượng cơ thể quá nặng sẽ khiến xương và các khớp chịu áp lực rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, hãy duy trì cân nặng ở mức hợp lý bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, kết hợp với vận động thể lực mỗi ngày.
2. Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi
Canxi là nhân tố cấu thành và là một phần quan trọng giúp xương chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, theo thời gian cơ thể dần bị lão hóa, khả năng hấp thu canxi ngày càng suy giảm. Do đó, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu canxi và dễ tiêu hóa như sữa, chế phẩm từ sữa, hải sản … trong chế độ ăn hàng ngày giúp tạo thế cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương của cơ thể.
3. Đi khám ngay khi có hiện tượng đau bất thường
Bạn hãy đi khám bác sĩ và kiểm tra xương ngay nếu cảm thấy đau khớp, cột sống và liên sườn liên tục. Nếu không được thăm khám kịp thời và có phương pháp điều trị thích hợp, bệnh diễn biến nặng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận động của cơ thể
4. Người cao tuổi hạn chế giảm cân quá nhanh
Người già tuyệt đối không thực hiện chế độ giảm cân hay giảm mỡ nhanh theo quảng cáo. Việc ăn kiêng kham khổ để giảm cân gây nên những hệ lụy rất xấu, cơ thể sẽ mất đi những chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, magie, kali… gây ảnh hưởng đến quá trình tạo xương, khiến xương giòn, yếu và dễ gãy.
5. Vận động thường xuyên
Duy trì chế độ tập thể dục khoa học và đều đặn không chỉ giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe, mà còn tăng cường độ linh hoạt và dẻo dai của hệ xương khớp. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp giảm căng thẳng, phòng ngừa các bệnh tuổi già và bệnh mạn tính khác.
6. Bổ sung canxi từ giai đoạn tiền mãn kinh
Phụ nữ tiền mãn kinh nên các loại thực phẩm dùng các loại thực phẩm bổ sung canxi vì trong giai đoạn này, lượng hormone estrogen suy giảm đáng kể, và đây là một trong những nguyên nhân gây loãng xương. Thời điểm bổ sung canxi tốt nhất là ngay sau khi sinh để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt quá nhiều dẫn đến bệnh loãng xương.
7. Không sử dụng rượu bia và thuốc lá
Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe xương khớp
8. Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh và nước ngọt
Người già nên giảm thiểu các loại đồ ăn nhanh và nước có gas… vì những thức ăn này chứa lượng muối natri cao có tác dụng tăng đào thải canxi, khiến quá trình hủy xương ở người cao tuổi diễn ra nhanh hơn.
9. Tăng cường tắm nắng
Da khi được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời điểm hợp lý có thể sản sinh ra vitamin D – Loại vitamin giúp hấp thu và chuyển hóa canxi vào máu. Vì vậy, người cao tuổi nên tắm nắng thường xuyên hơn vào các buổi sáng trước 8 giờ để tăng cường hấp thu canxi, thúc đẩy quá trình tạo xương hiệu quả hơn.